Những lá thư bay đi bay lại như những cánh chim, còn những cán bộ thẩm định hồ sơ như chúng tôi không biết mệt mỏi...
"Khi lên 8 tuổi, quê tôi bị nạn dịch trái trời (đậu mùa), cha mẹ nghèo không có điều kiện chữa trị nên bị mù cả hai mắt cho đến nay. Lúc nhỏ ở với cha mẹ, đến khoảng 15 tuổi cha tôi chết và khi tôi gần 20 tuổi thì mẹ tôi chết, tôi sống độc thân nương nhờ cô bác xóm làng và cháu con của hai người anh. Nhà cửa không có, nay ở nhờ nhà này, mai ở nhờ nhà khác. Đến năm 2005, sau cơn bão số 8 tôi bị ngã bệnh nặng, hơn nữa con cháu cũng quá khổ không có khả năng tài trợ. Hàng tháng tôi chỉ có một nguồn thu duy nhất là trợ cấp của địa phương với mức 65 ngàn đồng...".
Trên đây là vài dòng tâm sự được trích trong đơn xin tài trợ gửi đến "Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật” của bà Lê Thị Đay sinh năm 1937 sống tại thôn Mỹ Hoà, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Đây chỉ là một trong rất nhiều hồ sơ gửi về Tập đoàn Tân Tạo xin tài trợ. Theo sát những bộ hồ sơ, thẩm định từng cá nhân, đối tượng đủ tiêu chuẩn để tài trợ, các cán bộ thẩm định của Tập đoàn Tân Tạo được hiểu thêm những đau thương mất mát của bệnh tật, do chiến tranh để lại, do nghèo nàn túng quẫn. Họ rất cần được quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ của xã hội.
Ông cha ta có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Câu ca dao này thật thấm thía trong cuộc sống ở xã hội hiện đại ngày nay. Cho dù giàu nghèo còn là một khoảng cách ở nước ta - một nước đang phát triển nhưng với truyền thống “Tương thân tương ái, Lá lành đùm lá rách”, Tập đoàn Tân Tạo luôn đi đầu để xây dựng các Quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo đặc biệt là bệnh nhân nghèo có ý chí vươn lên. “ITA Chiến thắng bệnh tật” đã ra đời như thế - một ngôi nhà mới cho những bệnh nhân nghèo. Theo những cánh thư gửi hồ sơ đến xin trợ cấp, chúng tôi thấy còn quá nhiều người nghèo ở đất nước ta cần được chia sẻ và giúp đỡ. Những bộ hồ sơ đến từ ba miền Bắc Trung Nam được gửi đến Quỹ, họ coi Quỹ như dòng nước mát xoa dịu đi những nỗi đau bệnh tật. Hàng ngày các cán bộ Quỹ chịu trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ, hướng dẫn viết đơn và thẩm định hồ sơ. Có những hồ sơ hầu như không có gì, giấy tờ không đầy đủ theo Quy chế, vậy là những cánh thư lại bay đến những gia đình, đối tượng xin được tài trợ để gửi giấy tờ bổ sung. Những lá thư bay đi bay lại như những cánh chim, còn những cán bộ thẩm định hồ sơ như chúng tôi không biết mệt mỏi.
Có những hồ sơ chữ nghĩa viết thật khó đọc, chúng tôi rất khó khăn khi thẩm định nhưng thật thông cảm vì đọc xong những lời tâm sự, chúng tôi không sao cầm được nước mắt như trường hợp của Lý Ngọc Giao sinh năm 1970 ở tổ 6, khu dân cư ấp 8, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có 3 con nhỏ tàn tật. Chị trước là công nhân của nông trường Phạm Văn Tiến. Hiện nay mất sức lao động chỉ ở nhà để chăm sóc các con. Ba con nhỏ xin được tài trợ là cháu Nguyễn Lý Hữu Tiến sinh năm 1999 tuy hiện nay vẫn đi lại được nhưng cơ thể bị teo rút. Nguyễn Lý Hữu Thọ sinh năm 1996 và Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1989 lúc mới sinh ra cơ thể bình thường, khoảng 6 tuổi đôi chân bị yếu dần, đi lại khó khăn. Hiện nay cả hai em không tự đi lại được.
Những hồ sơ xin trợ cấp của Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật. Ảnh: Quang Vinh |
Hay như hồ sơ xin tài trợ của chị Nguyễn Thị Cúc mà Báo Phụ nữ Chủ nhật đã từng nêu với nhan đề bài viết: “Đừng quên họ…dưới đáy” làm cho chúng tôi thương cảm, day dứt trong lúc thẩm định. Theo Quy chế của Quỹ, hồ sơ xin trợ cấp phải đầy đủ giấy xác nhận của bác sỹ về bệnh lý cũng như hoá đơn viện phí. Nhưng chị Nguyễn Thị Cúc không có tiền đi khám bệnh nên không có xác nhận của bác sỹ và do vậy cũng không có hoá đơn viện phí, chỉ có mỗi hoá đơn tiền thuốc cỏn con. Lúc đó để đến được nhà chị ở ấp Cây Bàng - Thủ Thiêm, tác giả bài viết trên đã phải nhờ một người dẫn đường, căn nhà chị thuê cạnh một bãi rác rất ô nhiễm nằm sâu trong hẻm nhỏ. Nay gia đình chị ngụ tại tổ 3, ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với tấm lòng tương thân tương ái, cùng với lá đơn xúc động của chồng chị Cúc – anh Huỳnh Phước Phúc, chúng tôi đã không thể làm việc theo khuôn mẫu cứng nhắc và máy móc được.
Bao nhiêu tấm ảnh minh hoạ cho sự khó khăn, thiếu thốn và cơ cực đã gửi về cho các Quỹ ITA, đặc biệt là Quỹ “ITA Chiến thắng bệnh tật”. Ở nơi phồn hoa đô thị Sài Gòn và Hà Nội, chúng tôi biết họ đang đau đáu chờ đợi để đón nhận sự hồi âm của chúng tôi. Điều đó thôi thúc chúng tôi kiên nhẫn thẩm định và hồi âm sớm cho đồng bào của mình.
Đôi khi những việc chúng tôi làm chưa được sự đồng cảm từ một số cá nhân. Và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhận được câu hỏi: “Tập đoàn Tân Tạo được lợi gì?”. Với chúng tôi những cán bộ thẩm định đã âm thầm trên những bộ hồ sơ người nghèo gửi đến Quỹ mà ít biết rằng gần 4 triệu đô la là số tiền trong suốt 10 năm qua Tập đoàn Tân Tạo đã đóng góp cho xã hội để làm công tác từ thiện. Thật sự người có tấm lòng và trái tim lớn sẽ hiểu ngay liệu có thể được lợi gì từ những việc này? Những người bệnh tật, đầy ngang trái đang rất cần được xã hội giúp đỡ. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì số tiền làm từ thiện trong suốt 10 năm qua, Tập đoàn Tân Tạo đã có thể đầu tư vào các dự án và đã mang lại những lợi ích khổng lồ!
Tập đoàn Tân Tạo đã đưa ra phương châm làm lẽ sống cho mình: Mọi nơi Tân Tạo đến sẽ làm thế nào để địa phương đó, người dân nơi đó có một cơ hội mới, có thêm nhiều công ăn việc làm, nhiều trường học, bệnh viện, xoá đi phần nào cái khổ, cái nghèo hàng ngày còn ngự trị trên vai người nghèo.
Những hồ sơ xin trợ cấp đồng hành cùng chúng tôi mỗi ngày, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến yếu tố những hồ sơ chưa đạt yêu cầu chúng tôi sẽ tiếp tục thầm định, khi đạt yêu cầu chúng tôi sẽ trao tặng theo từng đợt của Quỹ. Phương châm hoạt động các Quỹ của chúng tôi là: “Vươn dài trải rộng, Có mặt khi người Việt lên tiếng”. Với ITA Chiến thắng bệnh tật, chúng tôi luôn “Nghĩ đến mỗi người, nghĩ về mọi người”. Chúng tôi sẽ cùng đồng hành cùng người nghèo như cánh chim không biết mỏi mệt.
Ngô Quang Vinh