Trong thời điểm thị trường trầm lắng, giá cổ phiếu chỉ tăng trong một ngày (T + 1) như hiện nay, sau khi chọn xong thời điểm (gần đây) và quyết định mua loại cổ phiếu nào (nếu dùng vốn tự có), nhà đầu tư cần kiên trì chờ, không nên bán tháo khi thấy giá giảm nhất thời
Sau 8 phiên giảm giá liên tục, giữa tuần qua chỉ số giá chứng khoán trên cả hai sàn TPHCM (HoSE) và Hà Nội (HaSTC) đồng loạt tăng giá. Nhưng mức tăng đó chỉ gượng dậy yếu ớt, nên sau một ngày sàn HaSTC lại nhuận đỏ, còn sàn HoSE leo được hai ngày thì giảm theo. Vì vậy nhiều nhà đầu tư áp dụng chiến thuật “đánh nhanh”. Chị Thanh Nhân, một nhà đầu tư tại sàn SSI, nói: “Sức mua thị trường đang yếu nên khi thấy giá lên trong một ngày là em bán ngay. Nếu chờ đến ngày thứ hai thì rất mỏng manh”.
Tạo ra rủi ro nhiều hơn
Trước đây khi thị trường có “sóng” cao, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường “lướt” với chu kỳ 4 ngày. Đây là thời gian phù hợp với quy trình giao dịch, tức sau 3 ngày mua, cổ phiếu (cả chứng chỉ quỹ) mới về tới tài khoản. Nhưng cổ phiếu thường về buổi chiều nên để quay được vòng vốn tính ra phải mất 4 ngày (tức T + 4). Cách làm đó chỉ phù hợp cho những khi thị trường tăng giá dồn dập. Còn nay sức mua yếu, thị trường lình xình, chỉ số giá chập chờn không ai đoán trước được. Vì vậy, mỗi khi thấy giá cổ phiếu bùng phát trong một ngày (tức T + 1) thì nhiều nhà đầu tư bán ngay để hiện thực hóa kết quả. Do giá chỉ tăng T + 1 nên thị trường tạo ra rủi ro nhiều hơn cho người mua. Để bám sát diễn biến thị trường, nhiều nhà đầu tư hằng ngày phải túc trực đều đặn trên sàn để tìm cổ phiếu mua vào và chớp cơ hội bán ra.
Thua khi cổ phiếu chưa về tới tài khoản
Vì không thể biết lúc nào giá chạm đáy nên nhiều nhà đầu tư áp dụng nguyên tắc mua vào khi giá bắt đầu lên sau một chuỗi ngày giảm mạnh. Nhưng trong thời điểm chỉ còn T + 1, những người áp dụng chiến thuật này cũng bị thua. Đặc biệt ở trên sàn HaSTC, vì biên độ dao động cao (+/-10%) nên khi đã thắng thì rất đậm, nhưng đã thua thì rất nhanh.
Ngày 14-11, khi thị trường bắt đầu “nổi sóng”, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn (RCL - sàn HaSTC) với giá bình quân là 347.900 đồng. Nhưng ngày hôm sau giá của nó xuống chỉ còn 333.300 đồng, giảm 14.600 đồng. Theo quy trình, đến chiều 19-11 (vì nghỉ thứ bảy và chủ nhật), cổ phiếu mới về tới tài khoản, nhưng trước đó giá đã giảm. Như vậy, khi có hàng để bán nếu giá không tăng cao hơn lúc mua vào thì coi như những người đầu tư mua cổ phiếu RCL vào ngày 14-11 đều bị lỗ.
Hạch toán cả rủi ro
Do thị trường ngày càng “khó chơi” nên những nhà đầu tư có kinh nghiệm thường hạch toán cả rủi ro (vì giá giảm) khi mua cổ phiếu. Ông Nguyễn Hiệp, một nhà đầu tư lâu năm tại SSI cho biết: Trước khi mua một loại cổ phiếu nào đó, ông so sánh giá trị của nó với những cổ phiếu khác có các chỉ số tài chính tương tự. Nếu có cùng mức giá thì những cổ phiếu sắp có các quyền lợi như: chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, được mua thêm cổ phiếu tỉ lệ cao với giá thấp... được ông tập trung tiền để mua. Những quyền lợi này sẽ bù đắp rủi ro khi giá cổ phiếu giảm. Còn nếu thị trường xập xình thì các quyền lợi này sẽ làm tăng giá trị cho nhà đầu tư. Cách làm này, theo ông, là “đu theo sóng”, vừa giúp nhà đầu tư nhàn hạ (vì không phải nhức đầu chạy theo giá biến động hằng ngày), vừa an toàn (vì có bảo hiểm), và có mức lợi nhuận cao. Trong thời điểm thị trường trầm lắng, giá chỉ tăng T + 1 như hiện nay, sau khi chọn xong thời điểm (gần đáy) và quyết định mua loại cổ phiếu nào (nếu dùng vốn tự có) thì nhà đầu tư cần kiên trì chờ đợi, chứ không nên bán tháo khi thấy giá giảm nhất thời.
Theo Người Lao Động