Hương nhãn
Tuổi thơ của tôi đầy ắp những kỷ niệm đẹp, tươi sáng, chính là bắt đầu từ khu v­ờn nhà tràn ngập hương nhãn.
Giữa xuân, mưa bụi bay lất phất. Cữ này, hoa nhãn vẫn còn nở rộ. Từng bông hoa bé tí xíu kết thành chùm hoa trắng ngà như chiếc mâm xôi xinh xắn trên nền lá xanh thẫm. Hương thơm của loài hoa này man mát, dịu ngọt lan toả trong không gian thanh bình, yên ả.
Suốt dải đất màu mỡ của đất Hồng Châu (Hưng Yên) xưa, trên những con đường liên xã, liên thôn từ Văn Giang xuống Đông Tảo, Dạ Trạch, Khoái Châu, Kim Động, Phố Hiến, nhãn được trồng hai bên đường toả tán tròn như những chiếc ô xanh mát.
Những năm gần đây người dân quê tôi đã làm quen với những vườn quất cảnh, cam cảnh, bưởi chiết cành nhưng nhà ai cũng giữ lại vài ba cây nhãn. Trong tâm thức của họ, nhãn là loài cây không thể thiếu trong vườn nhà, để làm quà cho con cháu và cho những người xa quê.
Vườn nhà vẫn thoáng rộng như xưa. Để chân trần, tôi chạy hít căng lồng ngực hương vườn. “Cụ” nhãn của tôi ở bờ ao đã bị đổ sau trận lụt. Hàng nhãn chiết mới được ba tuổi đang vươn cành xanh tốt, bao quanh khu vườn.
Ngày tôi còn bé, ngoại dành hẳn cho tôi một cây nhãn lồng. Buổi trưa, cơm nước cho ngoại xong, tôi thường trèo lên trạc ba, nằm ngắm những mảnh trời xanh qua kẽ lá hoặc ngắt một cành lá kết thành những con chim đang bay. Cũng có khi nhớ bố mẹ quá, tôi cũng thì thầm nói chuyện với cây nhãn.
Tuổi thơ của tôi đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ, tươi sáng, chính là bắt đầu từ khu v­ờn nhà tràn ngập hương hoa, cây trái. Và cây nhãn lồng được tôi coi là “bạn thân” để thả hồn vui buồn thơ ngây.
Mùa nhãn chín, bao giờ ngoại cũng phần cho tôi những chùm nhãn ngon ngọt nhất. Từng quả nhãn lồng, cùi dày trắng ngà, mọng nước, ngọt ngào như tấm lòng đầy tình thương yêu của ngoại dành cho đứa cháu cưng.
Ra khỏi vườn nhà là chợ nhãn họp ở đầu làng. Chợ Đông Cảo vốn nổi tiếng vì giống gà chân lùn, ngọt thịt, mùa nhãn càng thêm tấp nập. Từ đây, thứ quả đặc sản quê tôi được bó cẩn thận thành từng bó, cẩn thận xếp vào sọt đưa đến nhiều vùng.
Nhãn vốn là thứ "hàng hoa” nên phải “nâng như nâng trứng”. Để giữ cho chùm nhãn trông ngon mắt, không bị rụng quả, người dân quê phải dậy từ tờ mờ đất, kĩu kịt gánh nhãn ra bến sông cho xuống ca nô, ngược lên Hà Nội, rồi lại từ bến phà Đen hoặc Chương Dương gánh vào phố cho các bà các cô sành ăn thưởng thức.
Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, người dân sợ đi ca nô bị đánh bom nên phương tiện chuyên chở nhãn tiện lợi, an toàn nhất là đôi chân (thời gian ấy, nhà ai có được chiếc xe đạp là oách lắm rồi). Tôi đi học về thường giúp chị gái xếp nhãn vào sọt để 2 - 3 h hôm sau gánh ra Hà Nội kịp bán lúc sớm mai.
Vừa gánh nặng, vừa phải đi bộ 25 km dưới cái nắng thiêu đốt, đem hương nhãn đến cho muôn người, mồ hôi đổ xuống xiết bao công lênh khó nhọc. Tôi biết yêu thương quê hương bắt đầu từ đôi vai áo nâu bạc màu của ngoại, của chị tôi trong những năm bom Mỹ đó.
Hôm nay, quê tôi vẫn giữ gìn, vun xới cho nhãn lồng thêm sai quả. Cây nhãn lồng cổ thụ ở phố Hiến 400 tuổi đã trở thành “bảo tàng sống” của giống nhãn mà từ thời Lê Quý Đôn, ông đã ghi chép vào sách “Phủ biên tạp lục”, nhưng “chút chít” của nó có mặt trên khắp xứ Hồng Châu màu mỡ.
(Theo Làng Quê Việt)
Tin đã đăng
- Sản vật và ẩm thực đất cù lao
- ITA Ngôi nhà hạnh phúc!
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
- Chuyện về giếng làng
- Trầu cánh phượng của mẹ
- Câu chuyện Cánh buồm xanh và Bờ cát trắng
- Chợ tạm khu công nghiệp
- “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…”
- Mưa, và suy ngẫm…
- Suy nghĩ về tình trạng bùng nổ Internet đối với giới trẻ