Dự án yêu thương
Một dự án tình nguyện mà nhiều bạn trẻ tại TP.HCM cùng tham gia đang diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy mang đến sự tiện lợi, nhiều nụ cười cho biết bao bệnh nhân. Chỉ ít ngày sau lời mời tham gia dự án phát đi trên mạng đã có gần 300 bạn tình nguyện đăng ký tham gia. Sau các chương trình tập huấn, hai tuần làm thử, những tình nguyện viên mới chính thức vào cuộc.
Bàn tay nắm bàn tay
Những chiếc áo trắng tình nguyện lẫn vào dòng người qua lại giữa không gian khoa khám bệnh lúc nào cũng đông nghẹt người của Bệnh viện Chợ Rẫy. Để phân biệt, mỗi bạn đều có thẻ đeo với đầy đủ hình ảnh, tên họ và mã số tham gia chương trình. Ngoài một số bàn hướng dẫn đặt tại khu vực chung, trước mỗi phòng khám luôn có mặt các tình nguyện viên với sơ đồ vị trí phòng khám trên tay để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân.
Đứng ngay trước phòng xét nghiệm máu, bạn Nguyễn Thị Thảo Linh (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết đều đặn trực tại bệnh viện vào các ngày thứ ba, tư, năm mỗi tuần. Khi biết thông tin về chương trình, Thảo Linh đăng ký ngay vì “Những việc hữu ích thế này mình tự thấy phải có trách nhiệm tham gia, vì chỉ cần góp một bàn tay mà người bệnh đỡ vất vả hơn là mình cũng vui hơn”.
Ngay khu vực phát số thứ tự, thao tác của nhóm ba bạn Vân Trang, Ngọc Trinh và Minh Hoàng đã thuần thục lắm. Chỉ cần có bệnh nhân bước tới gần, các bạn đã chủ động bắt chuyện để xem họ cần gì. Cùng lớp, cùng ngành dược ĐH Nguyễn Tất Thành, các bạn đã rủ rê hết cả nhóm tám cô nương chơi chung cùng tham gia dự án này. “Mình mới rủ rê thêm được năm bạn nữa trong trường, sắp tới các bạn ấy cũng sẽ có mặt tại bệnh viện” - Ngọc Trinh khoe.
Hướng dẫn bệnh nhân hoàn thiện hồ sơ, nhắc bệnh nhân chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết, phát số thứ tự, chỉ hướng tới phòng khám..., những việc tưởng không có gì ấy nhưng lặp đi lặp lại suốt ca trực năm tiếng đồng hồ là điều không đơn giản. Có bạn phải đi xe buýt từ xa tới nhưng đúng 6g sáng đã có mặt đầy đủ. Hầu như ai cũng đứng suốt ca trực. Hôm nào bệnh nhân đông, tình nguyện viên còn không kịp uống nước. Vân Trang kể mấy hôm đầu mới làm do chưa quen có bạn còn bị bệnh nhân mắng té tát vì cái tội hướng dẫn không hết khiến họ bị trả hồ sơ. Vậy chứ chỉ cười, xin lỗi, hướng dẫn lại rồi thôi chứ không ai buồn, dù làm tình nguyện, chẳng một xu thù lao.
Được nụ cười người bệnh
Áp lực bệnh nhân của một bệnh viện lớn cũng như mong muốn sao cho người bệnh bớt phiền hà, đỡ vất vả mỗi khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy là lý do chính để dự án này hình thành. “Chúng tôi đã phải chuẩn bị trước vài tháng vì ngoài sự nhiệt tình, các tình nguyện viên còn phải có chuyên môn, có khả năng tư vấn, chia sẻ được với người bệnh nên cần được tập huấn kỹ, làm thử cho thạo việc trước khi vào làm chính thức” - giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Trần Bá Cường (đơn vị chủ trì dự án) chia sẻ.
“Phần lớn bệnh nhân ở tỉnh, nhiều người đi một mình và không biết bắt đầu từ đâu nên tụi mình cố gắng hướng dẫn kỹ để các cô chú khỏi bỡ ngỡ, đỡ sốt ruột khi phải chờ đợi. Ai yếu quá tụi mình sẽ đưa đến tận phòng khám” - Nguyễn Thị Ngọc Nhi (ĐH Lao động - xã hội cơ sở TP.HCM), một tình nguyện viên của dự án, cho biết. Bệnh nhân Phạm Thị Tiếng (Long An) cười nói: “Tới phiên mình vô khám mà tui đâu có hay vì không biết chữ, không đọc được số, may mà có mấy cô chú này làm giúp cho, thiệt tui cảm ơn hết sức”.
Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Mười một mình từ Ninh Thuận vào cho biết lần đầu tiên đến Bệnh viện Chợ Rẫy nên đang không biết phải đi hướng nào đã có bạn đến hỏi thăm rồi dẫn đi làm thủ tục. “Trước khi đi người nhà dặn coi chừng gặp người lạ bị lừa nên tui cũng hơi đề phòng. Nhưng giờ tui tin rồi vì nhờ mấy bạn này mà tui không mất thời gian đi lòng vòng, hi vọng khám xong trong hôm nay để kịp đón xe về luôn” - ông Mười bày tỏ.
Dù chỉ là dự án thí điểm làm đến cuối tháng 12 nhưng các tình nguyện viên được chuẩn bị tâm lý để ứng xử trước áp lực sẽ gặp phải. Chính lực lượng nhân viên phục vụ gần 20 người của Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm cho tình nguyện viên. Chị Võ Thị Ngọc Huệ - nhân viên phục vụ của Bệnh viện Chợ Rẫy - nói: “Có thêm các bạn, công việc của tụi mình đỡ vất vả một chút, tụi mình cũng bớt nói một chút nên đỡ căng thẳng hơn. Cái chính là có nhiều người thì việc hướng dẫn bệnh nhân được nhanh và nhiều hơn, họ sẽ ít phải chờ đợi hơn”.
QUỐC LINH
Thí điểm cho dự án dài hơi
Các tình nguyện viên làm việc từ 6g-11g các ngày từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần và Bệnh viện Chợ Rẫy được chọn làm thí điểm trong tháng 12 này. Ngoài hỗ trợ bệnh nhân đến khám và điều trị trong ngày, dự án còn mong muốn hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân điều trị giảm đau, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh xung quanh bệnh viện, hỗ trợ di chuyển, chỗ trọ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh về điều trị và cả mang âm nhạc đến với bệnh nhân.
Kết thúc làm thí điểm, các bên sẽ đánh giá hiệu quả, nhu cầu công việc để triển khai dự án chính thức tại nhiều bệnh viện của TP.HCM trong năm 2014. Anh Trần Bá Cường cho biết nhu cầu hỗ trợ bệnh nhân của các bệnh viện trong TP rất lớn nên phải làm dài ngày để thành đội hình chuyên nghiệp, hiệu quả nhất có thể. “Chúng tôi đang tìm và mong có thêm đối tác hỗ trợ vì khi triển khai thành dự án chính thức, số tình nguyện viên sẽ tăng, chắc chắn kinh phí thực hiện sẽ khó khăn” - anh Trần Bá Cường nói.
Theo Tuổi Trẻ
Tin đã đăng
- Nâng lương, ưu tiên về nhà ở cho các nhà khoa học trẻ
- Hơn 100 Doanh nghiệp ở khu công nghiệp TP.HCM công bố thưởng Tết
- “Giải cứu” nông dân trồng mía
- Bộ Công thương “kêu” khó vì không được tự chủ tài chính
- Nông sản rớt giá - Nguy cơ thiếu lương thực cuối năm
- Lo Tết trọn vẹn
- Lợi nhuận ngân hàng: năm 2013... kết thúc sớm!
- TP.HCM cho phép đổi căn hộ cũ lấy căn hộ mới
- Cải cách DNNN phải mạnh tay hơn
- Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu