Cây cỏ cũng có trí tuệ
Ngay khi tiến sĩ Backester chuẩn bị các dụng cụ để đốt lá cây ráy thơm, cây đã nhận biết và phát ra những tín hiệu chứng tỏ nó đang sợ hãi.
Thực vật không có giác quan và tế bào thần kinh, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng chúng vẫn có cảm xúc, tri thức, có thể giao tiếp với nhau và với những loài sinh vật khác. Nhiều người còn tin rằng cây cối cũng có cảm xúc yêu mến hoặc sợ hãi, nhận ra các điệu bộ, cử chỉ của con người.
Jandish Chandra Bose (Ấn Độ) là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này. Ông bắt đầu các thực nghiệm trên thực vật từ năm 1900. Bose cho rằng, thực vật có thể cảm nhận được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất độc trong vài phút. Các thực nghiệm của ông cho thấy cây lớn nhanh hơn trong môi trường âm nhạc có giai điệu ngọt ngào, và chậm phát triển trong âm thanh ồn ào.
Nếu như vậy, thực vật liệu có cảm giác đau đớn? Liệu chúng có hiểu được tác động, hay nhận biết những ý định của con người? Cleve Backester - người Mỹ, chuyên gia hàng đầu về máy ghi dao động vật lý - đã chọn nghiên cứu theo hướng đó. Ông đã từng thực hiện hàng trăm cuộc thực nghiệm trên động thực vật và nhận thấy: Khi lấy phần lá cây, trứng-tinh trùng hoặc tế bào ở người... thì các tế bào được tách ra đó vẫn có những liên hệ mang tính điện-hóa với trạng thái cảm xúc của cơ thể mẹ, ngay cả khi cách khá xa về mặt không gian.
Dự án nghiên cứu về tri giác của thực vật của Backester bắt đầu vào năm 1966, với đối tượng là cây ráy thơm. Ông cho gắn các đầu đo của máy ghi vật lý vào tất cả các lá cây, và xác định đồ thị chuẩn của các dao động chứng tỏ lá cây đang ở trạng thái bình thường. Rồi ông suy nghĩ trong đầu rằng sẽ đốt những chiếc lá. Backester mới chỉ dự định và đang chuẩn bị các dụng cụ để thực hiện, thậm chí chưa chạm vào những chiếc lá, nhưng đồ thị đã dao động mạnh. Ông kết luận, những chiếc lá cây đã biết ông sắp đốt và chúng đã rất sợ hãi.
Để tìm hiểu xem thực vật và động vật có liên lạc được với nhau không, ông đã cho cây ráy thơm “chứng kiến” những con tôm biển bị luộc trong nước sôi và ghi lại những dao động. Backester kết luận chúng hiểu được cảm giác đau đớn của động vật.
Các nghiên cứu của ông đăng tải trên tạp chí Cận tâm lý học quốc tế đã gây một cuộc tranh luận lớn. Nhiều nhà khoa học sau đó đã làm lại thí nghiệm của ông và khẳng định chưa đủ để dẫn đến những kết luận trên.
Tuy nhiên, một nhóm khoa học người Australia lại khẳng định, thực vật còn có thể biểu lộ tình cảm thành những tiếng kêu. Họ gắn đầu đo vào lá cây, tín hiệu điện từ được đưa tới một bộ loa. Khi cây thiếu nước, các âm thanh phát ra giống như tiếng kêu la. Trước khi cây bị khô héo và chết, âm thanh của chúng phát ra giống như tiếng khóc than thảm thiết. Những người có ý kiến đối lập cho rằng, âm thanh đó chẳng qua chỉ là tiếng chuyển động của nước trong các mạch được khuếch đại lên.
Hiện nay, những tranh luận liệu thực vật có khả năng tri giác hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, có một thực tế đã được khẳng định: Thực vật có khả năng đáp ứng các stress rất tốt. Chúng còn học cách ngụy trang từ các loài sâu bọ nhằm đánh lừa chúng đến, giúp cho việc thụ phấn. Như vậy, thực vật “biết” nhiều hơn chúng ta tưởng.