itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Chứng khoán chán lãi suất!

Chứng khoán chán lãi suất!

Bất chấp những thông tin hỗ trợ cực mạnh liên quan đến khả năng nới lỏng tiền tệ, TTCK những ngày đầu tháng 6 tiếp tục sụt giảm với quy mô thanh khoản đến mức tệ hại.

Lãi suất hạ đến mức nào?

Đã thành truyền thống, bất kỳ động thái nới lỏng tiền tệ nào đều tác động mạnh đến TTCK. Không khó để kiểm chứng điều này qua các sóng tăng trong quá khứ. Thậm chí hồi đầu năm nay, lãi suất mới “phong thanh” chuẩn bị hạ, TTCK đã nhanh chân chạy trước hàng tháng trời. Tuy nhiên, có vẻ như một ngoại lệ đang diễn ra.

Ngay từ cuối tháng 5 vừa qua, liên tục các thông điệp của đại diện NHNN cũng như phản ứng của các NHTM đều “đánh tiếng” về khả năng tiếp tục giảm lãi suất huy động, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay. Quá trình giảm lãi suất gần như thực hiện đúng theo lộ trình được đưa ra từ đầu năm: Mỗi quý có thể giảm 1%.

Cuộc họp giữa NHNN và nhóm G14 hôm 31.5 vừa qua đã tiết lộ khả năng trần lãi suất huy động sẽ được giảm tiếp về 10%/năm và theo đó trần lãi suất cho vay giảm về 13%/năm. Lần đầu tiên TTCK nắm được một kịch bản giảm lãi suất theo đúng lộ trình một tháng một lần, từ 14% và sẽ xuống 10%. Khả năng rất cao lần hạ lãi suất tiếp theo sẽ vào cuối tháng 6, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng này được công bố.

Liệu trần lãi suất huy động 10%/năm đã là con số cuối cùng hay chưa? Mục tiêu đưa lãi suất về 10% đến cuối năm 2012 được Thống đốc NHNN đưa ra từ tháng 12.2011, đi kèm với mục tiêu khống chế lạm phát năm ở mức dưới 10%. Mới qua nửa năm 2012, mục tiêu giảm lãi suất đã “hết hạn mức”. Liệu mục tiêu giảm lãi suất có thay đổi hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Vấn đề còn lại là mục tiêu giảm lãi suất có đạt được hay không lại trở thành câu hỏi mới.

Mối lo tăng trưởng

TTCK có hiệu ứng rất tích cực với triển vọng cũng như thực tế giảm lãi suất vì sự nới lỏng tiền tệ thường dẫn đến sự dư thừa tiền mặt, từ đó kích thích giá tăng ở các thị trường tài sản khác, trong đó có chứng khoán. Mối quan hệ này được duy trì cho đến lần giảm lãi suất thứ hai trong tháng 4, từ 13%/năm về 12%/năm. Tuy nhiên lần giảm lãi suất thứ ba vào cuối tháng 5, từ 12%/năm về 11%/năm đã không còn tạo được hiệu ứng như trước nữa. Tại sao vậy?

Tín hiệu đầu tiên của thị trường phản ứng ngược với thông tin vĩ mô là câu chuyện CPI. Mới cách đây 3 tháng, khi CPI có dấu hiệu giảm tốc, thị trường đã hưởng ứng rất tích cực vì CPI giảm đồng nghĩa với khả năng giảm lãi suất. Nhưng khi CPI tháng 5 ở mức 0,18% so với tháng trước, thị trường đã bắt đầu “trơ” và không hề có phản ứng tăng điểm đáng chú ý nào.

Không phải thị trường đánh giá thấp tình trạng lạm phát được kiềm chế và lãi suất giảm, mà một mối lo ngại lớn hơn đã lấn át: Tình trạng kinh tế tăng trưởng trì trệ, DN không còn khả năng sản xuất kinh doanh nữa. Khi nền kinh tế trì trệ, CPI thấp, lãi suất thấp là vô nghĩa. Mối lo ngày đã dẫn đến một chỉ báo mới quan trọng hơn CPI hay lãi suất: Con số tăng trưởng tín dụng.

Theo một thông tin được trích dẫn trên báo chí, mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến hết tháng 5.2012 là -0,89%. Tăng trưởng tín dụng âm nghĩa là tiền không thể cung ra nền kinh tế được. Khi tiền đã không ra được thì vấn đề thanh khoản, hay lạm phát thấp, lãi suất giảm cũng không có ý nghĩa. Một ước tính của Ngân hàng (NH) HSBC vừa công bố cho rằng tín dụng chỉ tăng khoảng 13% trong năm nay, thấp hơn nhiều hạn mức 17% dự kiến.

Chừng nào mức tăng trưởng tín dụng chưa được cải thiện thì TTCK còn suy giảm, vì đánh giá về triển vọng tương lai là u ám. Bất chấp NH có khả năng bơm tiền ra dồi dào, DN không thể hấp thụ được, tồn kho tăng quá cao, sức mua trì trệ thì tăng trưởng sẽ còn chậm lại.

TTCK luôn nhìn vào xu hướng tương lai, và với những số liệu hiện tại, tương lai chưa có gì là chắc chắn tốt. Vào thời điểm hiện tại, mối lo ngại của TTCK không phải là thiếu tiền, mà là vấn đề năng lực của DN không hấp thụ nổi, từ đó liên quan đến nợ xấu. Nếu NH bơm tiền cho vay dưới chuẩn, hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn trong dài hạn.

Do đó các NH không hạ chuẩn cho vay, đồng nghĩa với việc DN cần thì không đủ năng lực vay, rủi ro quá cao. Lãi suất liên NH từ giữa tháng 5 vừa qua đã giảm xuống còn 3-4%/năm, doanh số sụt giảm. Đây không phải là tín hiệu dư thừa thanh khoản, mà là tín hiệu ứ đọng vốn quá nhiều.

Nâng sức cầu tiêu dùng, giúp DN giải phóng hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu trong hệ thống NH, cung vốn đúng chỗ giúp tăng trưởng cao hơn tránh lạm phát cho các năm sau không phải là vấn đề có thể giải quyết trong ngắn hạn vài tháng. Ngay cả khi vấn đề được giải quyết, độ trễ của chính sách cũng sẽ còn khiến TTCK ảm đạm thêm một thời gian nữa.

Theo Hoàng Nguyên
Lao động