Chứng khoán Mỹ chạm đáy
Phiên giảm mạnh hôm qua đã đưa cả ba chỉ số chính của phố Wall về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2003. Thị trường tín dụng tiếp tục căng thẳng cũng như phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang khiến giới kinh doanh trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ.
Phố Wall nháo nhào bán tháo trong phiên giao dịch 7/10 khiến Dow Jones mất tới 508 điểm, tương đương 5,11%, xuống mức 9.447,11 điểm. Như vậy chỉ trong hai ngày, số điểm trừ của chỉ số này đã lên tới 900 điểm.
Chỉ số Nasdaq cũng xuống nhanh không kém với mức giảm 5,8%, chốt tại 1.754,88 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lao dốc 5,74%, kết thúc ngày tại 996,23 điểm.
Nỗ lực của FED giúp nới lỏng thị trường tài chính chưa phát huy hiệu quả như mong đợi đã tạo nên tâm lý bi quan trong giới đầu tư. Trong buổi họp báo chiều qua, ông Ben Bernanke, Chủ tịch FED đã đưa ra nhận định triển vọng kinh tế Mỹ còn tệ hại hơn nữa, và khủng hoảng tín dụng sẽ tiếp tục làm tổn thương nền kinh tế trong năm tới.
Cùng ngày, FED cho biết sẽ mua lại thương phiếu và các khoản nợ ngắn hạn dùng cho hoạt động hàng ngày từ các công ty. Mục đích của việc làm trên là tạo ra một thị trường cho các khoản nợ này, và giảm áp lực cho thị trường tín dụng.
Giới phân tích nhận định nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính của Chính phủ và FED là khá triệt để. Dẫu sao, thị trường đang khá hỗn loạn sau những gì đã diễn ra, và vẫn cần thêm thời gian để ổn định trở lại.
Cổ phiếu tài chính thi nhau đổ dốc do một số thông tin bất lợi. Bank of America công bố sụt giảm lợi nhuận, cần cắt giảm cổ tức cũng như tăng thêm 10 tỷ đôla tiền vốn. Ban Giám sát của Quốc hội thẩm vấn Richard Fuld, Giám đốc điều hành của Lehman Brothers, ngân hàng mới phá sản tháng trước. Cuối cùng là Morgan Stanley phủ nhận khả năng được Ngân hàng Mitsubishi của Nhật mua lại.
Thông tin kinh tế cũng không ủng hộ thị trường cổ phiếu. Thống kê về hoạt động cho vay của người tiêu dùng trong tháng 8 giảm lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Ông Darin Pope, Giám đốc Đầu tư tại United Advisor of Secaucus, NJ, nói: "Gần như ngày nào cũng có một tuyên bố ở đâu đó rằng sẽ hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, có cảm giác rằng, bất kể chúng ta làm gì, mọi thứ vẫn là chưa đủ".
Chứng khoán châu Á có một ngày u ám khi các chỉ số chính cùng tụt xuống dưới giá tham chiếu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật thiếu chút nữa đã rớt xuống dưới 10.000 điểm. Tuy nhiên, sau tuyên bố giữ nguyên lãi suất của Bộ Trưởng bộ Tài chính, cùng với đó là nỗ lực của nhiều nước trong khu vực nhằm chống lại khủng hoảng tài chính đã giúp chứng khoán Nhật trụ lại trên mức nhạy cảm 10.000 điểm. Kết thúc phiên, Nikkei 225 mất 3,03%, đóng cửa tại 10.155,09 điểm.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ với mức điểm trừ 0,73% của chỉ số Shang Hai Composite. Thị trường Hong Kong ngừng giao dịch để nghỉ lễ.
Tại châu Âu, tình hình có khả quan hơn đôi chút, khi chứng khoán Pháp hồi phục, với mức tăng 0,55% của chỉ số CAC 40. Giá cổ phiếu tại Đức tiếp tục rẻ hơn khi chỉ số DAX của nước này mất 1,12%. Tại Anh, thông tin Hội đồng Thương mại nước này kêu gọi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất từ 5% xuống 4,5% có hiệu ứng khá tích cực. Chỉ số FTSE 100 tăng nhẹ 0,35%.
Trương Định (Theo CNN& Reuters,VNE)
Tin đã đăng
- Ngân hàng đồng loạt cơ cấu lại lãi suất huy động
- 8/10: Chứng khoán Châu Á đồng loạt giảm mạnh
- Liều thuốc nào cho khủng hoảng tài chính toàn cầu?
- Cơn ác mộng tiếp tục bao trùm phố Wall
- Thảm kịch với chứng khoán toàn cầu
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, Dow Jones giảm dưới 10.000 điểm
- Vì sao chứng khoán Mỹ giảm điểm sau quyết định của Hạ viện?
- Cổ phiếu toàn cầu sụt giảm dù có tin tốt từ Mỹ
- Phố Wall mất điểm nhẹ
- Giới đầu tư Mỹ lại lạc quan