itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Châu Á trong “bão” lạm phát

Châu Á trong “bão” lạm phát

Mặc dù giá cả đang leo thang khắp toàn cầu, nhưng khu vực mà giá cả tăng mạnh nhất phải kể đến chính là châu Á. Mức lạm phát cao nhất trong vòng nhiều năm đang là vấn đề “đau đầu” tại nhiều quốc gia ở châu lục này.

Những con số đáng ngại

Một báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới công bố nhận định, giá cả hàng thực phẩm và nhiên liệu tăng toàn cầu đang gây áp lực tăng lương mạnh mẽ và tỷ lệ lạm phát trên khắp châu Á. Người lao động ở nhiều nơi đang yêu cầu mức lương cao hơn để đáp ứng chi phí cuộc sống tăng cao, các công ty cũng áp mức giá cao hơn đối với nhiều mặt hàng để đáp ứng chi phí sản xuất gia tăng.

“Trung tâm của “cơn bão” lạm phát trên thế giới là ở châu Á”, bà Cyd Tuano-Amador, Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Philippines nhận xét.

Lạm phát lõi (lạm phát không bao gồm giá lương thực và năng lượng) đã lên tới mức 8,7% trong tháng 5 tại Indonesia, so với mức 6,3% vào tháng 12 năm ngoái. Tại Philippines tỷ lệ lạm phát này lần lượt là 6,2%, so với mức 2,6% trong tháng 12/2007.

Lạm phát của Singapore trong tháng 6 là 7,5%, cao nhất trong vòng 26 năm trở lại đây. Tại Malaysia, con số này là 7,7%, cao nhất trong vòng hơn 27 năm qua. Tại Nhật Bản, lạm phát tháng 6 ở mức 1,9%, cao nhất trong vòng 10 năm. Việt Nam và Ấn Độ đều đang chịu tỷ lệ lạm phát hai con số.

Nhu cầu mạnh đối với nhiều loại hàng hóa của Indonesia, từ than tới dầu cọ, đã “cách ly” nước này phần nào khỏi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, giá cả tăng cao cũng đã bắt đầu tác động tiêu cực tới người dân ở nước này, nhất là những người nghèo. “Giá dầu hỏa, dầu ăn và trứng… tất cả đều tăng nhanh quá. Chúng tôi rất khó khăn”, cô Halimah, một giáo viên ở Karawang, Indonesia, than thở.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng 6, với mức tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 7,7% trong tháng 5. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 6 đã tăng 8,8%, so với mức tăng 8,2% trong tháng 5.

Phản ứng đầu tiên của nhiều chính phủ và các nhà kinh tế khu vực công ở châu Á trong mùa Đông vừa qua là “đứng nhìn” giá cả leo thang chỉ gói gọn trong hai nhóm mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu. Và do đó, họ không cần phải có những biện pháp chính sách tiền tệ như tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự lan rộng của lạm phát đang trở nên ngày càng rõ rệt hơn.

Lạm phát cao ở châu Á cũng đã bắt đầu có “đóng góp” vào lạm phát ở Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia vành đai Thái Bình Dương (chủ yếu là hàng hóa từ châu Á) đã tăng 2,7% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6 năm nay, so với mức giảm 1,4% trong 12 tháng trước đó.

Phối hợp chính sách

Tới lúc này, phần lớn các ngân hàng trung ương ở châu Á đều lưỡng lự trong việc phối hợp chính sách tiền tệ các nước khác vì không muốn vai trò độc lập kinh tế của mình bị ảnh hưởng.

Ông Boediono, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, mới đây đã kêu gọi các nước trên thế giới phối hợp hành động trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, bao gồm việc kêu gọi tăng lãi suất ở Mỹ, để kiềm chế lạm phát.

Theo ông Boediono, trong bối cảnh các dòng vốn lưu chuyển toàn cầu, lượng thanh khoản dư thừa đang lưu chuyển trên thế giới mà không một quốc gia nào có thể tự mình chống lạm phát hiệu quả bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Tôi không nghĩ bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn như Trung Quốc hay thậm chí là nước Mỹ, có thể đủ khả năng để điều chỉnh lãi suất tới mức cần thiết để hạ nhiệt lạm phát toàn cầu”, ông nói.

Cũng theo ông Boediono, giá dầu thế giới có thể giảm 30% nếu như các quốc gia phối hợp hành động để giảm lượng thanh khoản dư thừa. Ông cho rằng, một lý do chính khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng cao như hiện nay là có quá nhiều tiền dư thừa trong lưu thông.

Tuy nhiên, ông Boediono cho biết, ông không khuyến nghị các ngân hàng trung ương ở châu Á bán ra dự trữ ngoại hối để gây áp lực buộc nước Mỹ phải tăng lãi suất đồng USD. Việc các nước châu Á mua các loại chứng khoán bằng đồng USD, đi đầu là Trung Quốc với dự trữ ngoại hối 1.800 tỷ USD, đã đóng một vai trò trung tâm trong việc cung cấp vốn cho thương mại và thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ, đồng thời ghìm giữ lãi suất đối với các khoản nợ cầm cố ở Mỹ giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng địa ốc ở nước này.

“Thế giới đã đúng khi lo ngại về những diễn biến gần đây của tình hình lạm phát”, ông Y. Venugopal Reddy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, nhận xét. “Giá dầu tăng cao hiện đã là một vấn đề toàn cầu, khiến lạm phát trở thành nỗi lo của tất cả các quốc gia, cả phát triển và đang phát triển. Do đó, giải pháp của chúng ta đối với vấn đề này cũng sẽ giống nhau, nhưng cần được điều chỉnh đôi chút để phù hợp với hoàn cảnh từng nước”, ông nói.

Đầu tháng này, ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết, có thể Trung Quốc sẽ tăng lãi suất đồng Nhân dân tệ để chống lạm phát. Trong khi đó, do vừa phải đối mặt với lạm phát cao và nguy cơ thụt lùi tăng trưởng do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nhật vẫn quyết định duy trì lãi suất đồng Yên ở mức 0,5%. Xuất khẩu Nhật Bản trong tháng 6 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây.

Ngày 28/7 tới, những người đứng đầu các ngân hàng trung ương hàng đầu ở châu Á sẽ có cuộc gặp gỡ thường niên ở Thượng Hải. Bà Tuano-Amador, Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Philippines, cho rằng, các nước khó có thể đạt tới sự đồng thuận trong việc phối hợp chính sách tiền tệ. “Tôi không cho rằng ở thời điểm này chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận đó”.

Báo cáo mới đây của ADB nhận xét: “Viễn cảnh tăng trưởng bên ngoài đối với các nền kinh tế đang nổi lên ở khu vực Đông Á đã xấu đi vì các điều kiện bên ngoài như tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, điều kiện tín dụng thắt chặt và lạm phát tăng cao”. Báo cáo cũng cho rằng: “Những áp lực lạm phát gia tăng sẽ đòi hỏi các nền kinh tế Đông Á đang nổi lên phải có những động thái thắt chặt tiền tệ quyết đoán hơn”.

Các ngân hàng Trung ương ở châu Á nhiều tháng qua đã “vận lộn” trong việc phản ứng với mức lãi suất thấp mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ấn định. Lãi suất thấp ở Mỹ khiến các ngân hàng trung ương khu vực gặp khó khăn hơn trong việc tăng lãi suất, vì nếu làm vậy, các quốc gia này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư quốc tế và có thể khiến đồng nội tệ tăng giá nhanh chóng.

Đồng nội tệ mạnh hơn có sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu dầu và các loại hàng hóa khác, nhưng lại làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của châu Á, giữa lúc nhu cầu của nước Mỹ đối với hàng hóa châu Á đang yếu đi.

Ông Boediono cho rằng, Indonesia có khả năng đồng Rupiah của nước này sẽ tăng giá so với USD, nhưng điều này sẽ không có tác động xấu. “Việc đồng Rupiah tăng giá ổn định ở mức độ nào đó sẽ có lợi cho chúng tôi”, ông nói.

Ông cũng cho rằng, FED nên tăng lãi suất USD và kinh nghiệm của ông trong cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy FED có thể hành động mà không gây những tác động quá lớn đến hệ thống ngân hàng của nước này. “Tôi không cho rằng, việc tăng lãi suất thêm 0,25% hoặc 0,5% có thể khiến hệ thống ngân hàng của Mỹ sụp đổ”, ông Boediono nói.

Trương Định- (Theo New York Times, Reuters)