Cạnh tranh không lành mạnh
Giải thích việc tập trung quá nhiều điểm phòng giao dịch trên một tuyến đường, các ngân hàng (NH) cho rằng do tập quán “buôn có bạn, bán có phường” nhưng trong thực tế đã phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các NH.
Do có quá nhiều NH chen chúc trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ NH có hạn, không ít điểm giao dịch thua lỗ kéo dài nhưng NH không dám dừng hoạt động của điểm giao dịch đó mà chỉ xin chuyển địa điểm. Cũng có khi NH thông báo chuyển địa điểm nhưng thực tế chỉ tạm dừng hoạt động để đợi thời cơ thuận tiện hơn sẽ mở lại, vì việc xin cấp phép mở phòng giao dịch (PGD) mới rất khó.
Cạnh tranh gay gắt
Phó tổng giám đốc một NH có trụ sở tại quận 3 (TP.HCM) nói ban đầu khi quyết định đặt điểm giao dịch ở những nơi đã tập trung nhiều NH chỉ nghĩ đơn giản rằng “buôn có bạn, bán có phường” nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Do khách hàng có hạn, trong khi NH lại tập trung quá nhiều nên phải cạnh tranh lẫn nhau quyết liệt. Thay vì ngồi một chỗ chờ khách hàng đến thì giờ đây nhân viên NH phải “đánh bắt xa bờ”, chạy đi tìm kiếm khách hàng. Chẳng hạn, PGD ở quận 4 nhưng khách hàng có thể ở quận 1, quận 7, thậm chí Bình Thạnh, Phú Nhuận... Do vậy chính trong nội bộ NH cũng cạnh tranh với nhau.
Giám đốc chi nhánh quận 3 một NH cổ phần cho biết nguồn vốn huy động của NH này bị sụt giảm thời gian gần đây do một số NH khác đẩy lãi suất (LS) lên để kéo khách. Cụ thể, do các kỳ hạn huy động trên 6 tháng được thỏa thuận LS nên các NH đẩy LS các kỳ hạn này lên, sau đó lách bằng cách cho khách hàng gửi các kỳ hạn dài để hưởng LS cao, khi khách hàng muốn rút trước hạn thì cho vay lại bằng với LS huy động hoặc cộng một khoản lãi tượng trưng.
Các NH cũng thừa nhận chưa bao giờ NH cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Hôm nay NH này ra sản phẩm này thì ngày mai NH khác cũng có sản phẩm y hệt. Tuy nhiên mạng lưới NH vẫn không ngừng nở ra trên các địa bàn trọng điểm. Lãnh đạo một NH nhỏ cho biết trước khi mở PGD ở bất kỳ đâu, NH đều làm các khảo sát thị trường riêng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố như mật độ dân cư, thói quen tiêu dùng cũng như mức sống của người dân trong khu vực. Nhưng đôi khi các yếu tố được xét đến đều cho thấy không nên mở thêm điểm giao dịch nhưng NH vẫn “nhắm mắt đưa chân”. Đơn giản vì đoạn đường đó quá sầm uất, dân cư đông, lưu lượng xe cộ nhiều, và quan trọng nhất là các NH bạn đều đã mở chi nhánh, do vậy chẳng có lý do gì để mình bỏ qua cơ hội.
Phát triển mạng lưới quá sức
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NH Nhà nước, cho rằng bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NH, việc thành lập quá nhiều điểm giao dịch khiến chi phí hoạt động của NH tăng lên rất cao, khả năng kiểm soát rủi ro của NH cũng bị hạn chế. Vì doanh số các NH sẽ “cào cấu” nhằm đạt được chỉ tiêu dẫn đến tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu. “Ở nhiều nước, việc mở chi nhánh được tính toán rất kỹ, không có tình trạng mở ra rồi chụp giật, cạnh tranh vô lối như VN. NH Nhà nước cần thiết siết lại việc thành lập mạng lưới để làm lành mạnh hơn ngành NH và tránh rủi ro cho khách hàng”, ông Kiêm nói.
TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM, ví mạng lưới của NH như lưới đánh cá, mạng lưới đủ rộng giúp NH có nguồn tiền thanh toán dồi dào, từ đó tăng được tỉ lệ dùng vốn ngắn cho vay dài, tăng lợi nhuận cho NH. Nhưng ở VN, các NH phát triển mạng lưới quá sức mình dẫn đến hàng loạt rủi ro. Chưa kể NH VN chỉ phát triển mạng lưới truyền thống, tức chỉ thuần phục vụ cho NH mà không kết hợp được với nhiều dịch vụ khác. “Thời gian qua NH phát triển mạng lưới bằng mọi cách, có hiện tượng biến tướng khi quỹ tiết kiệm hoạt động như PGD, gây nguy hiểm cho chính NH và cho cả hệ thống. Nên việc NH Nhà nước siết lại là hoàn toàn đúng để mạng lưới của NH phát triển lành mạnh, cùng với trình độ của hệ thống NH”, ông Dương đề nghị.
Theo TS Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, việc mở rộng mạng lưới tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, nhưng vấn đề là NH phải tính toán chi phí và việc mở rộng phải trên cơ sở quản lý tốt mạng lưới. “NH Nhà nước quy định tiêu chí để thành lập chi nhánh, PGD, nếu NH nào không đủ thì NH Nhà nước có quyền rút giấy phép. Tất nhiên việc NH đặt điểm giao dịch ở đâu là đều có tính toán, nhưng NH Nhà nước nên có tiêu chuẩn rõ ràng, không để tự phát như vừa qua”, ông Lịch nói.
Bỏ quên vùng sâu vùng xa
Sau nhiều năm phát triển tự phát, nhìn lại hầu hết NH đều có số chi nhánh, PGD vượt mức quy định nếu xét theo chuẩn mới. Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch HĐQT NH OCB, cho biết với số vốn của OCB khoảng 4.000 tỉ đồng, trong khi NH có đến 9 chi nhánh tại TP.HCM, 2 chi nhánh ở Hà Nội và hơn 10 chi nhánh ở các tỉnh nên theo quy định mới NH không còn đủ vốn để lập chi nhánh mới. Ông Tuấn cho biết NH sẽ tạm thời giữ nguyên hệ thống và cơ cấu lại mạng lưới đang có chứ trong bối cảnh này khó mà tăng vốn để mở rộng mạng lưới do huy động vốn của cổ đông hiện nay cực kỳ khó khăn vì lợi nhuận ngành NH thấp, nợ xấu cao nên cổ đông không muốn đầu tư.
Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, cho rằng thông tư 21 không hồi tố quá khứ nhưng đòi hỏi một khả năng quản trị tốt hơn. Những NH lớn, có mạng lưới rộng phải củng cố lại để hoạt động có hiệu quả chứ ảnh hưởng thì trong ngắn hạn chưa nhìn thấy. Mạng lưới các NH như ACB đã phủ sóng rộng hết ở Hà Nội và TP.HCM, chỉ còn các khu vực nông thôn, tuy nhiên phải căn cứ vào tình hình kinh tế mới tính đến chuyện mở rộng, nếu không sẽ tạm thời giữ nguyên. Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết đang rà soát để làm báo cáo chi nhánh lên NH Nhà nước. Hướng sắp tới khi NH Nhà nước siết lại việc thành lập mạng lưới ở Hà Nội, TP.HCM, NH sẽ chú trọng mở rộng địa bàn kinh doanh ở khu vực ĐBSCL, Tây nguyên, miền Trung, những khu đông dân cư để đẩy mạnh bán lẻ, cho vay nông nghiệp nông thôn.
Tổng giám đốc một NH quốc doanh cho rằng không thể chấp nhận tình trạng NH san sát nhau như hiện nay nên việc siết lại mạng lưới của NH Nhà nước là hướng đi chính xác, qua đó khuyến khích các NH mở rộng mạng lưới ở các tỉnh. Theo ông, việc đẩy mạnh bán lẻ không chỉ nằm ở mạng lưới mà là công nghệ. “NH vẫn phát triển mạng lưới bán lẻ được vì hiện không chỉ có mạng lưới cứng mà có cả mạng lưới mềm, đó là dựa trên công nghệ và hợp tác với NH khác” - ông nói.
ÁNH HỒNG/ TUỔI TRẺ
Tin đã đăng
- Nhóm lợi ích "doanh nghiệp + chính quyền + nhà làm luật" đáng sợ nhất!
- Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế
- Hàng tết nặng nhiều nỗi lo toan
- Doanh nghiệp giảm vay vốn ngoại tệ
- Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm đối tác Việt Nam
- Giật mình với tỷ giá cuối năm?
- Đã đến lúc phải trả vàng cho thị trường
- Tranh cãi thuế TNCN từ bất động sản
- “Năm đầu tiên thu ngân sách dự báo không đạt dự toán”
- TPHCM: 5 dự án chuyển đổi sang nhà xã hội