GDP “có chân”!?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố GDP cả nước trong 9 tháng ước đạt 5,14%. Nhiều khả năng GDP cả năm sẽ không đạt mục tiêu 5,5% như Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, báo cáo trước đó của các tỉnh, thành đều cho thấy không nơi nào hụt chỉ tiêu GDP, thậm chí tỉnh nào cũng đều tăng cao hơn mức chung của cả nước, thậm chí cao hơn rất nhiều.
Đến nỗi ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng phải ngạc nhiên: “Tính GDP, tỉnh nào cũng tăng mười mấy phần trăm trong khi cả nước có 5,5% thôi thì không biết (GDP) chạy đi đâu?”.
Chỉ số GDP gồm những trị giá hàng hóa và dịch vụ làm ra trong một khoảng thời gian nhất định. Để tăng GDP, theo lý thuyết truyền thống là phải tăng về vốn, năng suất lao động, số lượng lao động. Do vậy, hầu như quốc gia và địa phương nào cũng ám ảnh chỉ số GDP bởi đó là thước đo cho tình trạng kinh tế. Chính căn bệnh thâm căn chạy theo thành tích đã khiến các tỉnh, thành phố; bộ, ngành...đều “phớt lờ” các yếu tố khách quan trên để tạo ra những con số theo cách riêng của mình. Những con số về nợ xấu, về đầu tư, lạm phát, doanh nghiệp phá sản... cũng “ông nói gà, bà nói vịt”. GDP vì thế luôn sai lệch.
Không phải bây giờ, mà từ lâu, sau mỗi lần công bố GDP đều có sự “khập khiễng”giữa các con số khiến các chuyên gia nghi ngại hỏi nhau đâu là con số chính xác. GS Nguyễn Quang Thái trong một cuộc hội thảo gần đây đã đưa ra thực tế khiến không ít người giật mình: “Ba năm gần nhất, cộng GDP của các tỉnh tăng 12%, trong khi cả nước tăng có 6%. Sự khác biệt này trước đó tăng gấp rưỡi nhưng nay là gấp đôi!”. Ngay con số vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, dù khá khiêm tốn, nhưng cũng chưa hẳn thuyết phục. Bởi theo như phân tích của một chuyên gia kinh tế thì “tăng trưởng tín dụng quý I chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu, chẳng lẽ Việt Nam không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng?”
Số liệu không chính xác sẽ vẽ nên những bức tranh kinh tế méo mó, ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Hiện nhiều mục tiêu kế hoạch 5 năm có khả năng không thực hiện được. Ngay năm 2013, có tới 7/15 chỉ tiêu không đạt. Việt Nam đang tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. Để trả lời câu hỏi “GDP chạy đi đâu”, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế, không chạy theo những con số đẹp, những thành tích ảo. Mặt khác, cần thay đổi tư duy phát triển kinh tế, không nên quá phụ thuộc vào những con số chủ quan mà quên đi sự phát triển bền vững.
Minh Hà/ Người Lao Động
Tin đã đăng
- Báo Mỹ: 'Đã đến lúc gom cổ phiếu bất động sản Việt Nam'
- Khốn đốn với hoàn thuế
- Bất động sản sẽ đón dòng vốn lớn từ Nhật Bản
- Thống đốc lo trục lợi cơ cấu nợ doanh nghiệp
- Ba xu hướng của thị trường bất động sản
- Thu ngân sách có nguy cơ 'vỡ trận'
- Ưu tiên mua 35.000 tỷ đồng nợ xấu đợt đầu
- Tỉ giá sẽ biến động không quá 3%
- Thụy Sỹ giúp Việt Nam tránh “bẫy” thu nhập trung bình
- Tiếp thị bất động sản “ngoại” đang thất thế