Ngân hàng: Sóng M&A còn dài
Với những thương vụ M&A đình đám diễn ra ở các NH nằm trong diện yếu buộc phải sáp nhập và ở các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh (NHTM CP), thị trường tài chính có vẻ như tạm thời bão hòa các hoạt động mua bán sáp nhập.
Thế nhưng, dự báo của giới tài chính, lại cho là ngược lại…
Từ xử lí sở hữu chéo đến M&A
Theo quan điểm của các chuyên gia đến từ chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, TS Nguyễn Xuân Thành và TS Đỗ Thiên Anh Tuấn thì tình trạng sở hữu chéo ở trong hệ thống NH Việt đang diễn ra cơ bản với 6 hình thức: 1, NHTM nhà nước nắm cổ phần tại các nhà băng cổ phần hoặc liên doanh; 2, DNNN góp vốn vào các NH cổ phần; 3, NH sở hữu cổ phần vốn của nhau; 4, Nhà đầu tư lớn nắm NH qua Cty chứng khoán và quỹ đầu tư; 5, Nhà đầu tư lớn giữ cổ phần ở cả DN phi tài chính lẫn NH; 6, Đối tác ngoại nắm cổ phần ở các NH.
Nếu chiếu theo các hình thức này thì có thể thấy để xử lí được vấn đề sở hữu, cơ quan quản lí sẽ phải liên đới và trông đợi nhiều vào các cơ quan, tổ chức bộ ngành khác. Chẳng hạn, ở hình thức thứ nhất, tạm lấy ví dụ cụ thể như để xử lí tình trạng Vietcombank sở hữu 11% tại NH Quân Đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương Đông, 5,3% tại NH Sài Gòn (tính đến cuối năm 2011), thì chắc chắn cơ quan quản lí sẽ không thể chỉ chỉ đạo và yêu cầu Vietcombank thoái vốn tại các NH này, mà còn phải “lần” theo đường đi sở hữu vốn của Vietcombank với các NH.
Dù thoái vốn tự nguyện hay bắt buộc, khi các nút thắt sở hữu chéo bắt buộc phải cởi, sẽ xuất hiện những người mua vốn mới thay cho đồng vốn cũ (tránh hụt hẫng, hao hụt tổng tài sản và thậm chí là tránh vốn chủ sở hữu về âm). Nói cách khác, xử lí sở hữu chéo chắc chắn sẽ tạo ra hiện tượng M&A, thay tên, đổi cấu trúc chủ sở hữu trong diện rộng ở hệ thống ngân hàng. Mức độ M&A có mãnh liệt hay không, cứ nhìn vào tình trạng sở hữu chéo chưa gỡ được của hệ thống NH, đủ rõ.
Những thương vụ trong “tầm ngắm”
Trong giai đoạn hiện tại, một số NH đã đánh tiếng tiếp tục hoạt động M&A.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu tới đây, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tham gia thị trường ngân hàng Việt bằng hình thức M&A.
HDBank, NH Phát triển TP HCM trong năm 2013 được ghi nhận là NH có 2 thương vụ M&A ngoạn mục. Mặc dù chưa thực sự đặt dấu chấm than xuống dòng với mua Cty tài chính Societe của Pháp và nhận về DaiABank, nhưng ngay sau đó, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank đã vạch tiếp đường đi sẽ bán tối đa 30% vốn cho đối tác ngoại đến từ Nhật Bản và Châu Âu. Đối với giới chuyên môn, đường đi này là tất yếu, bởi HDBank sẽ làm gì để tốt hơn, phát huy được việc tăng trưởng tổng tài sản, quy mô, vốn điều lệ, tăng mạng lưới, hệ thống khách hàng, giao dịch và lượng nhân viên đang phình to sau M&A là cả một bài toán. Tìm lực bên ngoài cũng đồng nghĩa tìm những đối tác mới, ngoài tăng trợ lực, còn hy vọng được có những hậu thuẫn rất quan trọng về công nghệ và năng lực quản trị, mở mang thị trường quốc tế.
Vì lẽ đó, ban đầu, thông tin HDBank có thể bán cổ phần cho đối tác ngoại, theo nguồn tin từ Bloomberg được nhiều nhà đầu tư coi như “xong”. Song nếu phân tích kĩ thì có vẻ mọi chuyện chưa dừng lại như vậy. HDBank có tham vọng trở thành NH thương mại cổ phần hàng đầu ở năm 2015, vì vậy nếu bán vốn cho các nhà đầu tư nhỏ chưa chắc đã là mong muốn của HDBank.
Một NH lớn khác cũng đang tìm đối tác là BIDV để bán 15% cổ phần sau khi thực hiện IPO. Tới năm 2015, thực hiện tổng số cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược không quá 20%. Giới tài chính cho rằng có khả năng BIDV sẽ chọn đường đi như Vietcombank hoặc Vietinbank, kí kết hợp tác cùng một đối tác lớn, một lần cho tỉ lệ 20% hoặc xé lẻ 15% ở tiến độ đầu của giai đoạn 2, phát hành tiếp 5% cổ phần còn lại trong tiến độ cuối cùng giai đoạn. Tất nhiên không loại trừ BIDV sẽ chọn 1 đối tác để phát hành 15% và 5% cổ phần còn lại sẽ thuộc về một hoặc nhóm cổ đông lớn khác. Nhưng có vẻ kịch bản này khó xảy ra vì rất hiếm nhà đầu tư ngoại tầm cỡ nào đã đặt chân được vào BIDV, mà không muốn gia tăng sức ảnh hưởng và mức độ hợp tác qua tỷ lệ cổ phần sở hữu tối đa cho phép, cho dù giá trị tổng số cổ phần phát hành của BIDV sẽ rất lớn. Với thỏa thuận chiến lược ở “tầm vĩ mô”, sẽ không có cửa cho những dòng vốn đến từ các địa điểm mà cơ hội hợp tác giao thương với VN không nhiều triển vọng.
Còn quá sớm để nói HDBank hay BIDV sẽ đạt kết quả đàm phán với nhà đầu tư đến từ quốc gia nào. Nhưng dù là đối tác nào thì dòng vốn dự phóng chảy vào ngành NH Việt, chắc chắn sẽ kéo dài vệt đi của con sóng M&A đang diễn ra thị trường. Con sóng này có chuyên chở những lớp ngầm bên dưới, gia cố cho sức lan truyền của các phân tử đang tham gia cuộc đua tới 2015 – Không dễ để nhận diện!
Cơ hội thời “xê dịch” dòng vốn Năm 2013, 11 tháng, FDI vào VN là 21,815 tỉ USD. So với tình trạng các thị trường quốc tế đều co tiền về để đối phó với vấn đề khủng hoảng, việc VN đạt tăng trưởng thu hút FDI hơn 50% so với cùng kỳ là một thành tích. Bên cạnh đó, nói riêng về dòng vốn từ Nhật Bản, cường quốc đang dẫn đầu về xu hướng đầu tư ra nước ngoài, thì VN cũng trở thành quốc gia top đầu trong danh sách Nhật Bản đã góp vốn đầu tư. Chọn VN làm chỗ trũng trên bản đồ đầu tư, DN Nhật tới VN sẽ mang theo không chỉ đồng JPY, còn mang theo cả văn hóa, theo quen kinh doanh, thói quen sử dụng dịch vụ… NH, với tư cách một ngành trong nhóm ngành công nghiệp dịch vụ, tất nhiên, không thể thiếu. Và đó là lí do mà vì sao Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ bỏ hơn 700 triệu USD cho Vietinbank, Mizuho Financial Group đầu tư hơn 500 triệu USD vào Vietcombank, Sumitomo Mitsui Financial Group rót 225 triệu USD cho Eximbank và Sumitomo Life Insurance trả giá 340 triệu USD cho 18% cổ phần của Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt… Hiện tại, theo danh sách cập nhật đến tháng 6/2013 của NHNN, VN đang có 5 NH 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh. Số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện NH tại VN thì lớn gấp 10 lần, lần lượt tới 50 chi nhánh và 50 văn phòng. Trong số đó, phía Nhật, đang có 6 chi nhánh và 3 văn phòng đại diện, không có NH 100% vốn Nhật nào. Như vậy, các NH Nhật đang hoạt động tại VN quá ít ỏi, nếu so với lượng hàng nghìn DN Nhật đã có mặt và đang tiếp tục đổ bộ, tìm kiếm cơ hội trên thị trường có hơn 50% dân số trẻ - khác xa so với cơ cấu dân số già của Nhật. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao ngành NH Việt rất đang trông chờ vào vốn Nhật, mà không phải là dòng vốn từ những địa chỉ khác? Câu trả lời nếu bỏ ngoài các yếu tố địa chính trị mà chỉ xét góc độ kinh tế, thì nếu như ở các thị trường Âu, Mỹ, cơ hội mua tài sản giá rẻ trên thị trường nước họ đang được đẩy lên rất cao, thì nước Nhật, trong xu hướng dịch chuyển địa điểm đầu tư và đang chọn VN, hẳn sẽ không bỏ qua cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ chính dịch vụ phục vụ cho các DN nước mình trên thị trường đầu tư mới. Ngoài Nhật, trong khu vực Châu Á, Trung Quốc tuy không dẫn đầu của bản đồ FDI tại VN nhưng lại luôn đứng đầu bảng về giá trị kim ngạch nhập khẩu vào nước ta. Và ngược lại với nhịp độ xuất hàng của giới Hoa thương, giới tài chính Trung Quốc trên đăng kí mới chỉ vào VN 4 NH là Industrial and Commercial Bank of China, Bank of China, China Construction Bank, Bank of Communications, Far East Bank, qua các hình thức mở chi nhánh tại Hà Nội và Tp HCM, ngoài ra là có 1 văn phòng đại diện của China Agribank. So sánh không đâu xa với Hàn Quốc, Malaysia đã có NH 100% vốn tại VN, sự hiện diện của nhà băng Trung Quốc cũng còn khiêm tốn. “Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu tới đây, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tham gia thị trường NH Việt bằng hình thức M&A. Tôi tin điều này sẽ xảy ra và đó là quy luật tất yếu, khi giao thương kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, các NH cũng đi theo phát triển”, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban tài chính Quốc gia, chia sẻ với DĐDN. |
Lê Mỹ
DDDN
Tin đã đăng
- 5 doanh nghiệp Pháp tìm đối tác lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam
- Yêu cầu báo cáo kết quả “cứu doanh nghiệp”
- Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên giá xăng dầu
- Vốn ngoại tiếp tục "đổ bộ" vào BĐS
- Vốn FDI vào VN tăng hơn 54%
- Giá lúa gạo tăng cao nhưng nông dân... hết lúa
- Còn “nuông chiều”, sẽ còn nhiều “chúa chổm”
- Giá điện sẽ tăng tối thiểu 7%
- EIU khẳng định triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam
- Con công nhân mòn mỏi chờ nhà trẻ