Tăng trưởng… đáng sợ
Tăng trưởng là một trong những chỉ tiêu cực kỳ quan trọng của từng đơn vị, từng địa phương cũng như của một quốc gia. Trong các báo cáo từng tháng hoặc tổng kết công tác năm, không thể không nói đến chỉ tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng tạo ra sự phát triển nhưng có những loại tăng trưởng lại trở thành... đáng sợ.
Tháng 2/2014, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa với tổng giá trị lên đến gần 11 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2013. Hiếm khi xẩy ra tình trạng, chỉ trong một tháng và so cùng kỳ năm trước, hàng hóa nhập khẩu tăng hơn 50%.
Có ý kiến cho rằng, tháng 2/2014 nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh là vì trùng với dịp Tết Nguyên đán, các nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nhưng, trong trường hợp cụ thể này, lý giải đó không đúng. Tháng 2/2014 (trùng dịp tết Canh Ngọ) tổng giá trị nhập khẩu tăng vọt nhưng hàng hóa nhập khẩu không liên quan gì đến nhu cầu phục vụ tết.
Trong thời gian nói trên, các loại thiết bị, phụ tùng nhập khẩu tăng gần 40%. Mặt hàng vải nhập khẩu có chỉ số gia tăng gần 30%. Các loại nguyên phụ liệu dệt may, giày dép nhập khẩu tăng xấp xỉ 40%...
Thực tế nói trên tự nó cho thấy, các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua không hề liên quan nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán. Câu trả lời chỉ là, cho đến tận bây giờ, nhiều loại vật tư phục vụ sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nước ngoài. Ban hành nhiều chủ trương và "hò hét” tại nhiều hội nghị nhưng vấn đề nội địa hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn là yếu điểm mang tính "truyền thống” của Việt Nam.
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất lên đến hàng chục tỷ USD, có những lĩnh vực xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu chỉ là gia công, lắp ráp. Phần giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu vì thế đạt mức rất thấp.
Nhập khẩu tăng mạnh dẫn đến hệ lụy không thể tránh khỏi là tình trạng nhập siêu tiếp tục gia tăng. Đến hết tháng 2/2014, trong khi khối doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 2,1 tỷ USD, khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu lên đến xấp xỉ 1,9 tỷ USD. Từ nhiều năm trước cũng như hiện thời, khối doanh nghiệp trong nước luôn luôn trở thành "khổ chủ” gây ra tình trạng nhập siêu.
Không chỉ "áp đảo” về chỉ số nhập siêu, doanh nghiệp trong nước còn lép vế về tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Đến hết tháng 2/2014, cả nước xuất khẩu đạt tổng giá trị hơn 21 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp FID chiếm hơn 70%, còn lại khoảng 30% thuộc về doanh nghiệp trong nước. Riêng tháng 2/2014 xẩy ra tình trạng nghịch lý: hàng hóa nhập khẩu so với tháng trước tăng gần 8%, trong khi hàng hóa xuất khẩu giảm hơn 16% (cái cần giảm thì tăng, còn cái cần tăng lại giảm mạnh).
Hai tháng chỉ là phần nhỏ của một năm, tính về thời gian cũng như các tiêu chí khác. Biết vậy nhưng có những "triệu chứng” phát sinh thời gian qua nếu không kịp thời điều chỉnh khắc phục sẽ gây ra bất lợi lớn cho nền kinh tế của 2014.
Theo Bá Tân
Đại đoàn kết
Tin đã đăng
- Được thế chấp chính căn hộ mua khi vay gói 30.000 tỷ
- Kinh tế chuyển biến tích cực, tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm tăng 12,9%
- Thị trường chờ chính sách tiếp sức
- “Vùng” kinh tế Nhật Bản
- Tín dụng vẫn chảy vào các “ông lớn”
- “Ưu đãi thuế và đất đai không phải là yếu tố quyết định”
- Nhà liền kề giá mềm hút khách
- 2 tháng đầu năm, nhiều nông sản chủ lực xuất khẩu giảm mạnh
- Xe máy Việt: Muốn sống thì... xuất ngoại
- Úc coi Việt Nam là đối tác chủ chốt