Khi Indonesia lên tiếng…
Qua vụ việc Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) có thể thấy vai trò quan trọng của Indonesia trong điều phối, cũng như ảnh hưởng của Jakarta trong việc hàn gắn các bất đồng đang tồn tại trong nội bộ ASEAN hiện nay.
Ngay sau AMM-45, khi truyền thông quốc tế có những ý kiến cho rằng ASEAN đã “tan vỡ”, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tổ chức họp báo và nói rằng “Tôi không đồng ý. ASEAN chưa tan vỡ, và vẫn thống nhất cho dù gặp nhiều vấn đề cần phải giải quyết”. Sau đó, ngoại trưởng Indonesia đã thực hiện các chuyến đi ngoại giao con thoi đến các nước chủ chốt liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhằm tìm kiếm một đồng thuận chung cho vấn đề này. Cố gắng lần này là nỗ lực lớn thứ hai của Indonesia trong những năm gần đây nhằm hàn gắn rạn nứt giữa các quốc gia ASEAN. Jakarta cũng đã tương đối thành công trong việc giảm căng thẳng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia vào năm ngoái.
Là quốc gia có nền kinh tế và dân số lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia vẫn đang cố gắng để gia tăng vị thế quốc gia không chỉ trong giới hạn khu vực ASEAN mà còn trên tầm quốc tế. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Indonesia tăng trưởng nhanh chóng, với một môi trường chính trị đang dần dần hướng tới một nền dân chủ toàn diện, cùng với nỗ lực trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố tại Đông Nam Á. Indonesia với vị thế và tiềm lực, cũng như uy tín đang gia tăng nhanh chóng là một đất nước đại diện cho thế giới Hồi giáo thế tục ôn hoà, và là hình mẫu cho các quốc gia Hồi giáo khác.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, vai trò của Indonesia được thể hiện rất rõ bằng việc liên tục duy trì là một cầu nối ngoại giao giữa hai khối nước thù địch tại Đông Nam Á lúc bấy giờ, với một bên là các nước Đông Dương với Việt Nam đứng đầu và một bên là các nước khác như Singapore hay Thái Lan. Mặc dù rõ ràng với mục đích ban đầu là ngăn cản hệ thống xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên ASEAN lúc bấy giờ đã thể hiện một phần nào đó các đặc điểm “không liên kết” của mình, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Indonesia.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhưng sự lãnh đạo của Indonesia tại ASEAN chủ yếu trên lĩnh vực chính trị. Jakarta chưa bao giờ tự coi mình là một cường quốc kinh tế khu vực mãi cho đến những năm gần đây. 25 năm đầu sau khi thành lập các hoạt động kinh tế của ASEAN hầu như không mang lại thành công như mong đợi. Indonesia thường xuyên nói “không” với các kế hoạch hội nhập kinh tế trong khu vực. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào đầu thập kỷ 90, khi môi trường bên ngoài ASEAN đã thay đỗi mạnh mẽ khiến cho các quốc gia trong khu vực buộc phải tiến hành những hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Indonesia đã đồng ý tiến tới khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1992. Sự phát triển kinh tế bùng nổ của Indonesia những năm đầu thập kỷ khiến cho nước này tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động của ASEAN hay APEC với nhiều sáng kiến nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi thương mai và kinh tế nội khối trong ASEAN cũng như trong APEC.
Kể từ sau khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 tại Đông Nam Á, Indonesia dường như không dành sự quan tâm của mình nhiều cho ASEAN nữa. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2003, tổng thống Indonesia khi đó là Megawati đã chấp nhận quay trở lại các chính sách dẫn dắt của Indonesia với ASEAN trước đây. Giới ngoại giao tại xứ vạn đảo cho rằng “lợi thế so sánh” của Indonesia chính là việc dẫn đầu khối các nước về mặt chính trị hơn là kinh tế. Chính vì lý do đó, từ năm 2003, Jakarta đã bắt đầu đề xuất khái niệm “Cộng đồng an ninh ASEAN” (ASC) với mục đích tăng cường hoà bình và an ninh nội khối cũng như gia tăng sức mạnh ngoại giao của cả khu vực. Với sự đồng thuận của Indonesia, các khái niệm “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (AEC) do Singapore đề xuất cũng như “Cộng đồng Văn hoá và xã hội ASEAN” (ASCC) của Philippines đã được chấp nhận và tiến hành thực hiện. Cũng chính Indonesia đã đề xuất việc thành lập Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính là ASC, AEC và ASCC.
Có thể thấy các quyết định quan trọng của ASEAN kể từ khi thành lập cho đến nay đều có sự góp mặt của Indonesia. Không những thế họ còn đề ra những sáng kiến quan trọng giúp tăng cường sức mạnh cho toàn khối cũng như hướng đến một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trong những năm đầu thế kỷ 21 này, do sự nổi lên của các nước khác trong khối, quá trình chia sẻ lợi ích nên tiếng nói của Indonesia phần nào đó không còn mạnh mẽ. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây như xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia hay tình hình Biển Đông dậy sóng đã chứng tỏ rằng Indonesia vẫn là nước cốt lõi quan trọng, đóng vai trò là cầu nối, là trung gian gắn kết các nước ASEAN lại với nhau.
Vũ Thành Công – Nguyễn Thế Phương/ SGTT
Tin đã đăng
- Tổng thống Syria bất ngờ xuất hiện
- Mỹ triển khai hai tàu sân bay tại Trung Đông
- Biển Đông: ASEAN và cái giá vắng một tuyên bố chung
- Lính Campuchia bắn lầm máy bay chở khách Thái
- Tàu chiến Nga sẽ diễn tập ở Địa Trung Hải, Biển Đen
- Tàu Trung Quốc đến gần đảo tranh chấp với Nhật
- Nga ngừng bán vũ khí cho Syria
- Bà Clinton đòi quyền cho phụ nữ Afghanistan
- Iran đe dọa hủy diệt căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông
- Mỹ "giăng bẫy" Nga như thế nào?