Đêm Nhớ Trịnh
“... Mỗi đêm, tôi nhìn trời nhìn đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tỵ hiềm...”
Đêm, giữa lòng Hà Nội, ngồi lặng ngắm Hồ Gươm bốn mùa nước xanh biếc, nghe gió vờn mái tóc và nghe nhạc Trịnh, đọc về cuộc đời nhiều thăng trầm của một nhạc sỹ tài hoa để tự chiêm nghiệm về cuộc đời của con người...
Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì là trường cửu. Không hiểu có phải những người có tài thường đa đoan với nỗi buồn hay không mà dường như trong suốt cuộc đời mình, âm nhạc Trịnh Công Sơn lúc nào cũng buồn... “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa), cuộc đời chỉ như “sương mai, như ánh chớp”, giống như con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn (Ở trọ). Con người, không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn ở cuộc sống này, tất cả đều chỉ là những người “ở trọ” trần gian. Khi đó, chúng ta tìm sự bình yên trong tình yêu, tìm sự ẩn náu cho chính mình nhưng tình yêu hỏi có được lâu bền?
Cuộc đời chỉ là một cõi vô thường, tình yêu dù nồng nàn rồi cũng sẽ mất đi. Trong “Đoá hoa vô thường” và nhiều bài ca khác, những tình khúc của Trịnh Công Sơn dường là những lời tự sự rằng những đổ vỡ của tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ này và hãy “cứ vui như mọi ngày” như ông đã từng viết:
“.. Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì đem lại bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu, đến đâu cũng chỉ thấy những nụ cười. Những nụ cười như đoá hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận...”
Hay: “... Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có giây phút nào oán hận với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn trách móc mà làm gì bởi cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn...”
“Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”. Có lẽ chính vì đã cảm nhận được những điều ấy mà trong những ca khúc Trịnh Công Sơn thường mang bóng dáng thuyết luân hồi của nhà Phật như: “... hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát Bụi) hay “... ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép)... “Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời” (Phôi Pha)... Luân hồi có thật không? Con người sống hết kiếp này rồi có trở về trong kiếp khác? Những ca khúc nhạt nhoà biên giới giữa đi và về. Nếu chết là để đi đến tái sinh thì ta ra đi nghĩa là ta đang trở lại. Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi: “Những ngàn xa trôi đến bây giờ/ Sông ra đi hay mới bước về”.
Chẳng có gì gọi là cái ta trường cửu, chỉ có một chút gì của cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Quá trình ấy như thể ta thắp một ngọn nến này từ một ngọn nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại. “Đời sống thì đẹp và rộng dài quá, còn đời người thì hạn hữu. Biết làm sao bây giờ...?”
Đêm Hà Nội lung linh ánh sáng, nghe thoảng trong gió lời tự sự:
“... Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mỗi chúng ta đang có mặt mỗi ngày bên nhau. Ly rượu nồng nàn của đời biết bao giờ uống hết được... Cố gắng tránh đừng than thở. Thứ thở dài một mình và quên lãng. Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất... Cuối cùng không có cái gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào làm cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất cả những giấc mộng đời không thực...
... Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió/ Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá/ Tôi thấy ngày thật lạ/ Xao xuyến từng nỗi nhớ/ Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề/ Những con tim bạn bè bao la/ Tôi thấy chiều không nói lời lặng lẽ/ Và thấy hoàng hôn áo vàng rực rỡ/ Đêm bước về thật nhẹ/ Sương khoác mềm vai phố...
... Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo...
... Đi qua cuộc sống hàng ngày tôi biết có rất nhiều người không biết đến hoặc không hề quan tâm đến sự tĩnh lặng. Họ thích nói và hình như cần phải phải nói với bất cứ giá nào... Huyên náo và tĩnh lặng là hai trạng thái tinh thần khác nhau. Người ta có thể phát bệnh vì tiếng la hét quá độ chứ không bao giờ mệt mỏi vì sự yên tĩnh...”
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra đi đã hơn 6 năm nhưng âm nhạc của ông thì vẫn còn mãi trong trái tim những người yêu nhạc. Có lẽ tôi không đủ sức để hiểu hết những tư duy triết học, không đủ trải nghiệm để cảm thông với những biến động mà cuộc đời cố nhạc sỹ đã phải trải qua nhưng tôi thực sự đồng cảm với lời nhận xét của cố nhạc sỹ Văn Cao năm nào: “.. cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết lý nào mà vẫn thấm vào lòng người như suối tới...”
Đêm rộng và dài lắm...
Tử Yên