Lụa
Như một bản nhạc kỳ lạ, mềm mại và óng ánh hơn cả những sợi dâu tằm, câu chuyện tình giữa Herve Joncour và người thiếu phụ bí ẩn kia diễn ra hoàn toàn dựa trên những điều mỏng manh hư vô, dệt nên từ hư vô.
Năm 1961, để cứu việc làm ăn buôn bán lụa của nước Pháp, một chàng trai trẻ tuổi làm nghề nuôi tằm tên là Herve Joncour đã lặn lội vượt qua những châu lục, những quốc gia rộng lớn để đến tới Nhật Bản, xứ sở tận cùng thế giới. Tại đây, anh đã vô tình gặp một cô gái, người thiếp của ông trùm bán giống tằm trứ danh. Cô gái ấy có đôi mắt “không phải của người phương Đông và gương mặt nàng là một gương mặt thiếu nữ.”
Vậy là sau đó, những cuộc viễn dương xa xôi đến đất nước hoa anh đào của Herve Joncour không còn đơn giản là những lần đi buôn hàng trăm cái trứng tằm trên vỏ cây dâu nữa. Những cuộc viễn dương đó thực sự đã là những lần hành hương lần hồi tìm tới bản ngã con người dục vọng nhưng không hề xấu xa của Herve Joncour. Như một bản nhạc kỳ lạ, mềm mại và óng ánh hơn cả những sợi dâu tằm, câu chuyện tình giữa Herve Joncour và người thiếu phụ bí ẩn kia diễn ra hoàn toàn dựa trên những điều mỏng manh hư vô, dệt nên từ hư vô. Họ chưa từng nói với nhau một lời, chỉ với những cử động của ánh mắt, với chén trà uống chung vết son môi, với những tiếp xúc mơn man da thịt nhẹ nhàng như ảo ảnh … họ đã trao cho nhau những tình cảm thực sự mạnh mẽ. Thứ tình cảm được dấy lên ở cung bậc cao hơn cả tình yêu bởi chính lớp lụa mềm mại mờ ảo che phủ suốt chiều dài tác phẩm.
Với lời dẫn chuyện gọn gàng như một người kể chuyện khôn khéo chỉ kể những điều sâu sắc, cô đọng nhất, Lụa có thể chiều lòng cả đến những độc giả ngại đọc nhất. Nhưng không vì thế mà tác phẩm bỏ qua miêu tả những rung động tâm lý sâu xa nhất trong con người. Đó chính là cái tài tình, tinh tế của Alessandro Baricco. Ông không những miêu tả rõ mà còn rất cụ thể và tỉ mỉ tâm lý con người Herve Joncour: một con người được coi là ít bộc lộ cảm xúc, luôn luôn tỏ ra khôn khéo tự tại. Phải chăng bốn giai đoạn tâm lý của Herve Joncour chính là bốn giai đoạn biển đổi day đứt của mỗi chúng ta khi bước chân vào những cuộc tình?
Qua Lụa, Alessandro Baricco đã viết lên một câu chuyện tình mê hoặc lòng người. Alessandro Baricco đã khiến chúng ta nhận ra rằng: tình yêu không đơn thuần là một loại cảm xúc. Tình yêu thực sự là một thứ bùa chú lôi kéo người ta rơi vào vòng quay của ảo ảnh.
Nhưng như vậy không có nghĩa tình yêu là bước chân lầm lỡ. Tình yêu còn là lý trí, tất nhiên đó là thứ lý trí của trái tim. Helene, vợ của Herve Joncour, người phụ nữ có giọng nói vô cùng dễ chịu ấy chính là bằng chứng rõ rệt nhất, mạnh mẽ nhất cho lý trí của trái tim. Khác hoàn toàn với người phụ nữ bí ẩn mà chúng ta không bao giờ có thể được nghe thấy giọng nói của nàng, Helene ở đó, ngay bên cạnh Herve Joncour và nói với anh những lời dịu dàng nhất thế gian. Nhưng khi con người ta đã bước chân vào ảo ảnh thì điều hư vô trở thành thực tế và những gì hiện hữu lại trở thành hư vô. Vậy là trong câu chuyện tình ái huyền ảo và đẹp đến đau thắt lòng người, Herve Joncour đã vô tình đánh mất Helene, đánh mất nàng ngay khi nàng còn nằm trên chiếc gối bên cạnh mình: “em đã nhìn anh nhiều lắm nhưng anh không thuộc về em”. Chỉ đến khi Helene mãi mãi ra đi, Herve Joncour mới nhận ra được sự tuyệt vọng và nỗi cô đơn xé lòng đang đến với mình.
“Đôi khi, những ngày có gió, Herve Joncour xuống tận hồ và đứng ngắm hàng giờ liền vì dường như ông nhìn thấy trên hồ hình bóng nhẹ nhàng và khó giải thích nổi của cuộc đời ông.”
Phải chăng tình yêu đẹp là thứ tình yêu mềm mại, hư vô và nhẹ bẫng như mảnh lụa cao quý?
Lê Anh.