Bánh tét Trà Cuôn
Cách thị xã Trà Vinh khoảng 10 km theo hướng Quốc lộ 53 về huyện Duyên Hải, tại đây đang hình thành một cái “chợ” bánh tét mang “thương hiệu” Trà Cuôn.
Gọi là chợ, bởi khu vực bán bánh nằm cạnh chợ xã Kim Hòa của huyện Cầu Ngang. Hơn hai năm nay một số hộ dân đã dựng sạp ngay trước nhà mình để bày bán bánh tét. Thật ra, bánh tét Trà Cuôn đã có mặt ở Trà Vinh từ mấy chục năm nay.
Nguồn gốc của đòn bánh tét Trà Cuôn xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của bà Thạch Thị Lý - người dân tộc Khmer ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang. Ở tuổi 70 nhưng bà Lý có 37 năm tay nghề gói bánh tét, nhờ nghề này mà bà đã nuôi được 12 người con khôn lớn. Hồi trước, bà Lý gói bánh chỉ để bán ở chợ Hiệp Hòa và một số ít được các con mang đi bán dạo hoặc ở một số chợ xã lân cận.
Các con của bà hiện nay có 9 người nối nghiệp. Các chị: Thạch Thị Vui, Thạch Thị Di và Thạch Thị Trơn chuyên làm bánh bỏ mối cho các sạp ở Trà Cuôn. Riêng gia đình chị Vui, hằng ngày còn “độc quyền” cung cấp trên 100 đòn bánh ở quán bánh canh Bến Có vốn rất nổi tiếng với du khách thập phương.
Nhờ vào đặc điểm này mà lâu nay các lò làm bánh tét Trà Cuôn không có sự cạnh tranh nhau, tất cả chị em trong gia đình bà Lý đều thống nhất với nhau về kích cỡ, trọng lượng của từng loại bánh để giữ uy tín cho thương hiệu, chứ không tự “giết” nghề bằng hình thức cạnh tranh không lành mạnh.
Bánh tét Trà Cuôn có 3 kích cỡ chủ yếu, loại nhỏ có trọng lượng 900 g với giá 10 ngàn đồng, loại trung 1,2 kg giá 15 ngàn đồng và loại lớn giá 18 ngàn đồng có trọng lượng 1,5 kg. Để có đòn bánh tét mang “thương hiệu” Trà Cuôn với mùi vị đặc trưng, thơm ngon chị Thạch Thị Vui cho biết:
“Hồi trước, bánh tét Trà Cuôn được làm ra từ loại nếp do địa phương cung cấp, ngày nay do nhu cầu tăng cao không đủ nếp để gói nên phải nhập về loại nếp sáp Thái có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Để làm ra được đòn bánh ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ đem nếp đi vo khoảng 5 nước, để ráo, sau đó trộn nếp đều với nước lá rau ngót (loại rau dùng để nấu canh ăn) để tạo màu và mùi thơm. Đặc biệt, để đòn bánh có vị vừa ăn, tất cả các nguyên liệu từ thịt, mỡ, đậu xanh (trừ lòng đỏ trứng vịt muối) đều được tẩm ướp các loại gia vị như: Hành lá, muối, đường, bột ngọt... kể cả cho loại bánh nhân chuối”.
Thịt nạc, mỡ heo, lồng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính dùng làm nhân bánh tét Trà Cuôn
Để chuẩn bị bánh bán trong lễ hội Oóc-Om-Bok và nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2008, hiện chị Vui đã đặt làm thêm một cái nồi lớn dung lượng khoảng 200 lít để có thể nấu 200 đòn bánh cùng lúc. Nâng tổng số nồi nhà chị lên ba cái và sẽ vận hành “hết công suất” tương đương 1.200 đòn bánh mỗi ngày.
Nhờ có hương vị khá đặc trưng, mà thời gian gần đây đòn bánh tét Trà Cuôn đã vươn ra khỏi địa phương, theo các chuyến xe đò, khách du lịch và người dân Trà Vinh đi khắp các tỉnh ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh... Đặc biệt, nhờ bảo quản được lâu, một số kiều bào còn mang cả đòn bánh tét Trà Cuôn ra các nước phương Tây.
Đối với các sạp quanh khu vực chợ Kim Hòa, thì hiện tại số người kinh doanh bánh tét Trà Cuôn đã lên con số 12 sạp. Trong đó, hiệu bánh tét Trà Cuôn - Hai Lý được xem như người đi đầu. Chị Hoàng Loan - Chủ cơ sở nói: Trước đây, khu vực này chỉ có gia đình tôi bán, mấy năm gần đây thấy bán được, hơn 10 hộ khác cũng đóng sạp bày bánh tét ra bán.
Hiện tại vào ngày thường sạp của tôi bán được khoảng 250 đòn các loại, còn vào các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật thì số lượng tăng gấp hai, ba lần. Riêng vào các ngày tết Nguyên đán cũng như lễ hội Oóc-Om-Bok của người dân tộc Khmer vào ngày rằm tháng 10 âm lịch tới đây, nhiều khi không đủ bánh để bán.
Bánh tét Trà Cuôn giờ đã có tiếng vang lớn, mỗi ngày có hàng trăm đòn bánh tét tới tay người tiêu dùng. Chứng tỏ con đường hình thành một thương hiệu made in Trà Cuôn đang tiến triển rất tốt đẹp và đây là mong ước của người dân Trà Cuôn, cũng như các cấp chính quyền địa phương. Thông qua việc xây dựng thương hiệu sẽ giữ uy tín và chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, hay xa hơn nữa là giúp địa danh Trà Cuôn ngày một in sâu trong cảm tình du khách gần xa.
Theo BT (Đất mũi)